Vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sáng nay, ngày 5.6, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2023 và nghe Báo cáo sơ kết đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 22/5/2023 ước đạt trên 8,2 nghìn tỷ đồng, đạt 31% dự toán năm, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó thu nội địa đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng (đạt 33,5% dự toán).

Zalo

                                   Nhiều vấn đề cần giải quyết được các sở, ban, ngành nêu lên tại phiên họp.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,3%. Tổng lượt khách lưu trú, lữ hành đạt 121% so với cùng kỳ năm 2022… Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ sự bất ổn của thị trường trong nước và toàn cầu. Tình trạng cháy rừng vẫn còn xảy ra. Dịch bệnh sốt xuất huyết đang “vào mùa” và xu hướng gia tăng là những vấn đề cần xử lý.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, đồ gỗ, sản xuất và phân phối điện, sản xuất lắp ráp ô tô… Nguyên nhân chính là do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, cộng với những khó khăn về thị trường, việc thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm… điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số sử dụng lao động giảm, chủ yếu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (-12,1%), khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với mức giảm thấp hơn, lần lượt: -3,4% và -4,2%.

Zalo

                                   Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị cần tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến từ các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần phải đánh giá các chỉ số trên các lĩnh vực bằng con số tuyệt đối, không thể dựa vào con số tương đối để đánh giá toàn diện. Năm 2023 là năm thách thức đối với các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp.

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các cơ quan, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trên tinh thần vướng chỗ nào, lập tức tháo gỡ ngay, không để kéo dài. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm đến vấn đề nắng nóng, cháy rừng, phối hợp chặt chẽ với ngành công thương để giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ công, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới…

“Nội dung quan trọng nhất là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt sẽ hoạt động theo quy chế đặc biệt. Trong tháng 6.2023, Tổ công tác đặc biệt phải khởi động và vào cuộc ngay để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Zalo

                                       Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, nếu không vào cuộc quyết liệt thì nhiều chỉ tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ khó đảm bảo hoàn thành. Do đó, yêu cầu từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể theo sự phân công, quản lý cần nhanh chóng giải quyết vấn đề vướng mắc. UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung công tác, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để các ngành xác định trách nhiệm và triển khai thực hiện.

Đơn cử như lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, xã nào đạt chuẩn thì cần phải giữ chuẩn và tiến lên xây dựng chuẩn nâng cao. Xã nào chưa đạt chuẩn thì tập trung nguồn lực đẩy mạnh. Đặc biệt, cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum trong tháng 6.2023.

“Riêng đối với chế độ thu hút giáo viên miền núi, dù theo hướng “mở” nhưng cần phải đảm bảo tính pháp lý và lâu dài để tránh những vấn đề phát sinh sau này” – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.

 

Tin liên quan